Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Có nên tự pha hóa chất tẩy rửa

SHARE THIS

Trên nhiều tuyến phố Hà Nội gần đây xuất hiện những chiếc xe đạp bán rong chất đầy các chai nước tẩy rửa giá rẻ giật mình. Chị Lê Hiệp Hoà cho biết, chị mua một chai nước rửa bát bán dạo về dùng thử, được vài lần thì thấy da tay tróc từng mảng…

Nước rửa bát tự pha chế bầy bán tràn lan 

Nước rửa bát không nhãn mác có giá rẻ giật mình, chỉ khoảng 2.000 đồng - 3.000 đồng/lít, trong khi các loại nước rửa bát có thương hiệu như Sunlight, Mỹ Hảo từ 8.000 đồng - 10.000 đồng/lít.
Người bán hàng đẩy xe đạp đi các phố, treo lủng liểng các loại nước tẩy rửa từ đầu xe đến cuối xe, tên các hoá chất như “ben”, “javen”… ghi nguệch ngoạch trên mấy mẩu bìa.
Vỏ chai là đồ tận dụng từ vỏ dầu ăn, nước khoáng. “Nước rửa bát này tự pha chế, nên chưa có thương hiệu gì cả. Thành phần thì không thể ghi đây được vì là bí quyết nhà nghề”, một người bán dạo giải thích.
Đắt hơn đôi chút là nước rửa bát bán tại các cửa hàng hóa chất phố Hàng Gà và Phạm Ngũ Lão.
Một chuyên gia của Viện Da liễu Quốc gia cũng cho rằng các loại hóa chất được pha chế một cách vô tội vạ, không đúng thành phần liều lượng, khi tiếp xúc trực tiếp sẽ gây viêm da.
Khi các hóa chất này ngấm vào cơ thể, chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gan, thận, ruột, lâu ngày có thể gây ung thư.
Chỉ 10 phút có mặt quầy số 2 Phạm Ngũ Lão, chúng tôi đã chứng kiến cảnh nước rửa bát bán chạy như tôm tươi. Cứ chốc chốc lại có chiếc xe máy đỗ xịch rồi quay ra với vài can hóa chất màu xanh.
Điều lạ là khách hỏi mua nước rửa bát hay nước lau sàn, rửa xe thì chủ cửa hàng đều bán cho cùng một loại! Nước rửa bát ở đây đóng trong can dầu ăn loại 5 lít, giá 17.000 đồng/can.
Chủ cửa hàng quả quyết tuy giá đắt hơn loại bán dạo nhưng chất lượng đảm bảo hơn, không ăn tay vì người pha chế không cho Natri Sunphat – một hoá chất ăn da.
Ngoài ra có thể đặt hàng màu nào cũng được tùy theo sở thích, nhưng phải mua nhiều mới làm.
Theo chỉ dẫn của ông chủ cửa hàng, chúng tôi đi tìm Dũng, chủ một kho hóa chất cực lớn ngay phía sau Nhà hát Lớn. Đó là một nhà kho nhỏ nằm xen kẽ với nhà dân, chất ngổn ngang hàng chục thùng hóa chất. Ngay từ ngoài cửa, mùi hóa chất đã xộc lên nôn nao.
Dũng tiết lộ, nước rửa chén bát đang là mặt hàng bán rất chạy, hiện nay ở khắp Hà Nội đã mọc lên những cơ sở tự pha chế nước rửa bát rồi cho xe đạp dạo bán khắp hang cùng ngõ hẻm nhưng không cạnh tranh được với cơ sở của anh.
“Do tự pha chế nên không cần phải đăng ký hay ghi nhãn mác, thành phần làm gì. Chúng tôi chủ yếu bán cho khách quen, các hiệu rửa xe hay hàng ăn thường lấy vài chục lít một lần”,  Dũng nói.
Không chỉ có nước rửa bát dạo mà còn có nước rửa bát vỉa hè. Tại phố Hàng Gà, liền kề mấy cửa hàng hoá chất bề thế là gian hàng lề đường của bà Hoàng Thị Kiền.
Khoảng hơn chục bình nhựa đựng hoá chất xanh đỏ đủ loại xếp la liệt dưới đất. Giá nước rửa bát loại 5 lít/can ở hàng bà Kiền 15.000 đồng, rẻ hơn bán trong quầy 2.000 đồng.
Bà Kiền quả quyết nhà bà có hẳn một bãi đất ở Phúc Tân để pha chế nước rửa bát, lau sàn và giao khắp nơi nên giá rẻ, hơi ăn tay một chút nhưng được cái sạch, nhà làm hàng ăn thường dùng loại này để tiết kiệm chi phí. “Chỉ cần đeo găng tay khi rửa bát là không sao hết!” -  Bà Kiền vừa chìa danh thiếp vừa trấn an khách.
Ảnh hưởng sức khỏe nếu dùng lâu ngày
Theo ông Nguyễn Xuân Lãng, Trưởng phòng Phân tích và Kiểm tra môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, các hóa chất sử dụng để làm nước rửa chén bát gồm có chất tẩy rửa, chất làm đông, chất thơm...
Ngoài ra còn có một số phụ gia làm mềm và phẩm màu. “Nước rửa chén bát đạt chuẩn sử dụng chủ yếu màu thực phẩm. Nhưng để hạ giá thành sản phẩm, người pha chế thủ công thường sử dụng phẩm màu công nghiệp nhập từ Trung Quốc. Nếu các loại phẩm màu được pha chế không đúng liều lượng sẽ độc hại vô cùng”, ông Lãng nhấn mạnh.
Nếu áp dụng theo đúng công thức pha chế với một tỷ lệ hóa chất thích hợp, nước rửa bát an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, với những loại nước rửa chén bát “vô danh tính” thì việc đảm bảo hàm lượng các hóa chất là không thể kiểm soát được, nhất là khi chúng được pha chế trong điều kiện thủ công và người pha chế không có chuyên môn.
Cũng theo ông Lãng, nước rửa chén bát của những hãng có tên tuổi và được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng thường sử dụng hoá chất có tác dụng tẩy sạch là Na-LAS trong khi nước rửa chén bát không nguồn gốc sử dụng kiềm là chủ yếu do giá thành của kiềm rẻ bằng 1/7 giá thành của Na-LAS.
Điều nguy hiểm là nếu lượng kiềm vượt quá mức cho phép sẽ làm chén bát nhớt và phải rửa thật nhiều nước mới có thể sạch được. “Do khó trôi sạch, hóa chất, phẩm màu độc hại bám vào chén, bát có thể ngấm vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh”, ông Lãng lo ngại.

Theo Mỹ Hằng
Tiền phong


Mô tả:

Diễn đàn công nghệ làm sạch Việt Nam là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật làm sạch và phục hồi vật liệu. Diễn đàn hoạt động phi lợi nhuận và vì mục đích cộng đồng

0 nhận xét: